Hiện tượng sốt cao co giật ở trẻ em thường khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Vậy trẻ bị sốt co giật có ảnh hưởng đến não không ? Khi trẻ bị sốt co giật bố mẹ thường phải làm gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó.
Sốt cao co giật là gì?
Sốt là một phản ứng bình thường của trẻ nhằm bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Sốt co giật thường xảy ra đối với những trẻ em ở độ tuổi dưới 6 tuổi khi bị sốt cao liên tục với nhiệt độ trên 39 độ C.
Sốt co giật ở trẻ em chia là hai loại: loại lành tính và loại bệnh lý. Sốt cao co giật lành tính là khi trẻ chỉ xuất hiện cơn co giật ngắn một lần, kéo dài trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 phút, sau đó tự hết. Trẻ trở lại tỉnh táo bình thường và không có biến chứng nào khác. Sốt cao co giật lành tính thường không nguy hiểm, trẻ bị sốt co giật không gây ảnh hưởng đến não, vì vậy cha mẹ nên bình tĩnh và không nên cho bé uống bất cứ loại thuốc gì.
Sốt cao co giật bệnh lý là loại rất nguy hiểm, có thể gây tử vong cho trẻ vì vậy cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để khám và được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân của hiện tượng sốt cao co giật ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trẻ sốt cao co giật, nắm được một số nguyên nhân chủ yếu sau đây, cha mẹ sẽ dễ dàng tìm được biện pháp xử trí kịp thời:
Sốt cao co giật do yếu tố di truyền : Theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu cha mẹ hoặc người thân trong gia đình có người đã từng bị sốt cao co giật thì khả năng trẻ sinh ra bị sốt cao co giật sẽ cao hơn từ 2 – 3 lần những đứa trẻ khác.
Sốt co giật ở trẻ do một số bệnh lý : Theo thống kê, trẻ mắc một số bệnh như : nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiết niệu, đường tiểu, tiêu hóa, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm màng não,… cũng rất dễ bị sốt cao co giật.
Ngoài ra, khi trẻ bị chích ngừa phòng chống một số bệnh thường gặp như : quai bị, sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván,… thì trong vòng 48 giờ sau khi tiêm cũng có thể bị sốt cao co giật.
Trẻ bị sốt co giật phải làm sao?
Khi trẻ bị sốt cao co giật, cha mẹ cần bình tĩnh và thực hiện theo hướng dẫn dưới đây :
- Đầu tiên, đặt trẻ nằm ở nơi bằng phẳng, nới rộng quần áo và nhanh chóng tạo không khí thoáng mát cho trẻ thở.
- Dùng khăn sạch, nhúng nước ấm, vắt khô và lau người cho bé, đặc biệt là các vùng trán, cổ, nách, bẹn.
- Nếu trẻ không thể uống thuốc hạ sốt cần đặt thuốc hạ sốt qua đường hậu môn của trẻ, liều lượng theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa.
- Khi trẻ hết co giật, cha mẹ đặt trẻ nằm nghiêng sang một phía, đầu kê trên gối, hơi ngửa.
- Cuối cùng, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, có những việc cha mẹ tuyệt đối không nên làm khi thấy con bị sốt cao co giật :
- Không được vuốt ngực, lay người hoặc xúm quanh trẻ bởi trẻ sẽ không có oxy để thở.
- Không di chuyển khi trẻ đang co giật vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Không chèn bất cứ vật gì vào giữa hàm răng trẻ vì có thể làm rách lưỡi, tổn thương nướu của trẻ.
Phòng chống sốt co giật ở trẻ nhỏ
Sốt co giật ở trẻ em nếu đã xảy ra một lần thì hay bị tái phát. Tuy nhiên nếu cha mẹ biết xử trí đúng cách lúc con mới bắt đầu sốt thì có thể phòng tránh đươc hiện tượng này: cần cho trẻ thăm khám và điều trị kịp thời để tìm được nguyên nhân gây sốt; đồng thời, sau khi trẻ sốt cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước và bú nhiều hơn để tăng sức đề kháng, bù nước đã mất.
Trên đây là một số thông tin về hiện tượng trẻ bị sốt cao co giật và cách xử trí cũng như phòng chống hiện tượng này. Hi vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho các bậc làm cha mẹ trong quá trình chăm sóc con yêu những năm tháng đầu đời.